j

TIN TỨC

f

Ngày Tết ở Huế có gì thú vị?

1. Tết 2024  ở Huế nên đi đâu chơi?
1. Chợ hoa ngày Tết
Huế sau ngày 23 tháng Chạp, người dân bắt đầu tấp nập chở hoa bày bán ngập tràn các nẻo đường của thành phố, trở thành cái “lệ” Tết. Hoa có mặt ở khắp nơi, từ Phu Văn Lâu, đến công viên xung quanh Nghênh Lương Đình, cung An Định hay Trung tâm Văn hóa thông tin Thừa Thiên Huế nằm trên giao lộ Hùng Vương.

Chợ hoa ở khu vực Đại Nội Huế. Hình: Sưu tầm

Chợ hoa ở khu vực Đại Nội Huế.

Tại chợ hoa Tết này, ngoài các loại cúc, quất cảnh, nhiều chủ vườn còn trưng bày bán hoàng mai xứ Huế với giá từ vài triệu/chậu cây đến vài trăm triệu/ chậu cây. Các loại ly Đà Lạt, đào Nhật Tân, quất Hội An, phong lan xứ Huế,… cũng được bày bán mọi nơi.

Đừng quên chuẩn bị một bộ áo dài nhé. Hình: Sưu tầm

Đừng quên chuẩn bị một bộ áo dài nhé.

Có rất nhiều người đến chợ hoa chỉ để ngắm nhìn, chụp ảnh và trải nghiệm. Đến Huế dịp Tết mà không đi chợ hoa xuân thì đúng là “thiếu hẳn mùa xuân” đấy. Đừng quên chuẩn bị cho mình một bộ áo dài để lên hình “xịn sò” hơn, và nhớ là hạn chế gây ảnh hưởng đến việc mua bán của người dân nhé.

2. Đại Nội và hệ thống các lăng tẩm

Từ ngày mồng 1 đến mồng 3 Tết hàng năm, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa miễn vé cho người dân và du khách là người Việt Nam tham quan Đại Nội và hệ thống các lăng tẩm của Huế.

Đại Nội Huế. Hình: Lê Phương Tùng

Hơn nữa, nếu tham quan Đại Nội Huế vào thời gian Tết, bạn sẽ được trải nghiệm các hoạt động vui xuân ở Hoàng cung Huế; điểm nhấn là không gian tái hiện các trò chơi cung đình ngày Tết. Không gian vui Xuân đón Tết tập trung ở khu vực sân Điện Thái Hòa với các trò chơi vốn là thú tiêu khiển trong Hoàng cung triều Nguyễn xưa, như: Bài vụ, đổ xăm hường, đầu hồ và trình diễn thư pháp…

3. Đi chùa lễ Phật

Việc đi chùa đầu năm đã là một nét văn hóa, truyền thống của người Việt từ lâu. Hơn nữa, Huế vốn là vùng đất nổi tiếng với những ngôi chùa đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh, vì vậy, du lịch Huế dịp Tết, hãy dành thời gian vãn cảnh chùa đầu năm để cầu cho một năm mới bình an và may mắn nhé.

Đi chùa lễ Phật đầu năm. Hình: Sưu tầm

Đi chùa lễ Phật đầu năm. 

Bạn có thể ghé thăm chùa Thiên Mụ để thưởng ngoạn vẻ đẹp cổ kính hơn 400 năm, tận hưởng không khí trong lành của dòng sông Hương và lắng nghe những câu chuyện về truyền thuyết của chùa. Ngoài ra, chùa Từ Hiếu, chùa Diệu Đế, chùa Từ Đàm, chùa Huyền Không Sơn Thượng,… cũng là những ngôi chùa nổi tiếng ở Huế. Đến chùa dịp Tết, bạn còn được hái lộc hay xin xăm, xin chữ đầu năm.

Thiền Viện Trúc Lâm Huế. Hình: Hue, truly Vietnam

Thiền Viện Trúc Lâm Huế. 
4. Chợ quê ngày Tết ở Cầu Ngói Thanh Toàn

Cầu ngói Thanh Toàn là một cây cầu cổ xưa, mang kết cấu đặc biệt, nằm ở địa phận làng Thanh Thủy Chánh, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8 km về phía Đông. Cứ mỗi dịp Tết đến, cầu ngói Thanh Toàn lại nhộn nhịp hẳn lên bởi những gian hàng chợ quê.

Cầu ngói Thanh Toàn dịp Tết. Hình: Sưu tầm

Cầu ngói Thanh Toàn dịp Tết

Phiên chợ phong phú với các hoạt cảnh mua, bán, trưng bày, giới thiệu các mặt hàng nông sản, thủ công mĩ nghệ, sành sứ…Trong đó, đặc sắc nhất là hội bài Chòi bắt đầu từ sáng đến tận 10 giờ đêm và kéo dài từ mùng Một tết đến mùng Bảy tết. Ngoài ra, đến với phiên chợ quê dân dã này, bạn còn được thưởng thức nhiều món ăn độc đáo, truyền thống Huế như các loại bánh, các loại chè, bún bò, bánh canh…được bán tại các chòi tranh rất mộc mạc.

Hội bài chòi ở cầu ngói Thanh Toàn. Hình: Sưu tầm

Hội bài chòi ở cầu ngói Thanh Toàn.

2. Lễ hội Tết ở Huế

1. Lễ hội Đu Tiên

Lễ hội Đu Tiên thôn Gia Viên, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền diễn ra vào mồng 4 Tết hằng năm là một hoạt động lễ hội văn hoá truyền thống nổi bật ở Huế. Cây đu phải là những cây tre ngà lớn chắc chắn; các giá đu, đòn đu và gióng đu được liên kết với nhau bằng các nuột thừng, tre, lạt mây…. tạo độ nhún để người chơi đu có thể bay lên cao đồng thời đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội Đu. Trong trang phục áo dài, những người tham gia chơi bay cao vút lên không trung cùng những điệu nhún trông vô cùng đẹp mắt.

Lễ hội đu tiên. Hình: VOV

Lễ hội đu tiên. 

Ngoài làng Gia Viên, lễ hội đu tiên vẫn được lưu giữ và tái hiện nhiều ở làng khác ở Thừa Thiên Huế như Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), Điền Hòa (huyện Phong Điền)… trong những ngày Tết cổ truyền; với rất nhiều loại cây đu và lối chơi đu khác nhau.

.2. Lễ hạ nêu

Vào ngày mồng 7 Tết âm lịch hàng năm, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức lễ hạ cây Nêu, khai ấn tân niên, tặng chữ chúc xuân tại Thế Miếu và điện Long An, trong khu vực Đại Nội. Lễ hạ niêu được tiến hành với các lễ cúng nêu, cử đại nhạc, tiểu nhạc, chuông trống và hạ cây nêu. Cùng lúc đó, các ấn vàng và lễ phẩm treo ở ngọn nêu được lấy xuống để khai ấn Cung chúc Tân xuân, tặng thư pháp có đóng ấn triện mừng năm mới với ý nghĩa cầu chúc tốt lành cho du khách tham quan các di tích Huế trong ngày đặc biệt này.

Lễ hạ nêu. Hình: Sưu tầm

3. Lễ hội vật làng Sình

Được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, Lễ hội đấu Vật làng Sình tại khu vực đình làng Lại Ân (còn gọi là làng Sình), xã Phú Mậu, huyện Phú Vang là một hoạt động văn hoá truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người dân xứ Huế vào mỗi dịp Tết.

Lễ hội vật làng Sình. Hình: Sưu tầm

Hội vật làng Sình rất chú trọng tinh thần thượng võ vì thế các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khoá trái khớp, tấn công bằng đầu… Ngoài ra, một nét độc đáo ở lễ hội làng Sình là tinh thần đồng đội ở các địa phương, một đô vật của làng nào bị thua sẽ có đô vật khác lên tiếp sức. Nếu để thua một trận các đô vật phải chờ đến năm sau mới “phục hận” được, vì thế các đô vật thường rèn luyện suốt năm, tu dưỡng đạo đức để chờ đầu xuân tham dự, tranh tài.

4. Lễ hội đền Huyền Trân

Lễ hội đền Huyền Trân công chúa được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 9 tháng 1 Âm lịch, tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, phường An Tây, thành phố HuếĐây là một hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người dân xứ Huế nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công trong việc mở mang bờ cõi.

Lễ hội đền Huyền Trân. Hình: Sưu tầm

Tại buổi lễ, sau khi các nghi lễ được tiến hành là chương trình nghệ thuật sử thi đặc sắc nói về Công chúa Huyền Trân. Ngoài ra lễ hội còn diễn ra thêm nhiều những hoạt động đặc sắc khác như trưng bày triển lãm, giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ở Huế, tổ chức các trò chơi dân gian như hát bài chòi, đấu vật…

5. Lễ hội Cầu ngư

Lễ Hội Cầu Ngư là lễ hội của nhân dân làng Thai Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng đã có công bày cho dân nghề đánh cá và buôn bán ghe mành.

Lễ hội cầu ngư. Hình: Nguyễn Đức Huy

Trong lễ hội, cùng với nghi lễ rước thần là các nghi lễ và hoạt cảnh dân gian vui nhộn của lễ cầu ngư, khởi lệnh làm trò “trên bờ dưới nước”, xuất quân đánh cá, đua thuyền trên phá Tam Giang…

3. Món ăn ngày Tết ở Huế
1. Bánh chưng, bánh tét

Từ lâu, bánh chưng, bánh tét là món ăn không thể thiếu của người Việt trên mâm cỗ ngày tết. Tùy phong tục tập quán, thói quen, văn hóa mà mỗi nơi có cách gói, nấu bánh chưng, bánh tét khác nhau. Riêng bánh chưng, bánh tét của người Huế có độ dày vừa phải, không quá to. Nhân, gồm thịt ba chỉ và đậu xanh được nấu chín, xay nhuyễn, nêm nếm gia vị vừa ăn.

Bánh tét Huế. Hình: Sưu tầm

Ngon nhất Huế là bánh tét làng Chuồn – nếp vừa dẻo vừa thơm, đòn bánh hình trụ tròn thon thon, nhân đậu xanh vàng ươm thơm phức, lát thịt mỡ chính tâm béo ngậy ngon lành. Bánh chưng thì có bánh chưng Nhật Lệ, nổi tiếng từ xưa đến giờ, chiếc bánh nhỏ vừa đủ một người có thể ăn hết một cái mà không bị ngán và thường được buộc thành cặp với nhau.

2. Dưa món
Dưa món là món ngon truyền thống mỗi dịp Tết đến của người miền Trung nói chung, và của Huế nói riêng. Đây là món được ăn cùng với bánh tét hoặc cơm đều giúp cân bằng vị giác và giải ngán các món nhiều dầu mỡ.

Dưa món. Hình: Sưu tầm

Dưa món người Huế làm gồm thơm, cà rốt, củ kiệu, củ cải,…. Các loại được thái miếng đem phơi nắng cho héo rồi đem giầm với ớt chín, nước mắm và đường. Vị mặn mặn, ngọt ngot của nước mắm sẽ làm cho món dưa giòn giòn đậm đà, khi kết hợp với các món ăn cùng không chỉ giảm ngán mà còn giúp kích thích vị giác.

3. Tré

Tré là một món ăn có hình dáng tương tự như nem chua nhưng lại khác hoàn toàn nem chua ở khâu chế biến. Tré làm từ da và thịt đầu, tất cả được luộc chín và thái mỏng đều tay. Gia vị cũng rất đa dạng nào là nước mắm kho, ớt trái, ớt bột, tỏi, mè rang, củ riềng thái sợi và không thể thiếu thính gạo hoặc thính nếp rang. Chính vì thành phần gia vị đặc biệt và lạ lẫm như vậy cho nên tré Huế cũng có một hương vị đặc trưng mà không một món ăn nào có được.

Tré Huế. Hình: Sưu tầm

Khi ăn, bóc vỏ tré ra, dùng đũa đánh tơi các miếng thịt rồi bày ra đĩa. Có thể nhâm nhi tré như nem chua hoặc cuốn với bánh tráng và rau thơm, dưa leo, chuối chát, chấm nước mắm ớt tỏi. Hơn nữa, ngày xuân mà nếm tré với chút rượu cay nồng thì đúng là không còn gì bằng.

4. Hành ngâm giấm

Hành ngâm giấm là món ăn có tác dụng kích thích vị giác, chống ngấy trong những ngày Tết. Hành củ được phơi nắng cho héo rồi ngâm với giấm đường trước Tết vài hôm, khi ăn còn được trộn thêm cùng ớt và tỏi. Bên cạnh món hành ngâm giấm, nhiều gia đình ở Huế cũng làm thêm củ kiệu chua ngọt, hành tím muối, hành tỏi chua ngọt, dưa muối chua…làm cho bữa cơm gia đình ngày Tết trở nên hấp dẫn hơn.

Hành ngâm giấm

“Bí kíp” du lịch Huế dịp Tết đã có trong tay, chờ gì nữa mà không  cùng Sun Travel sắp xếp đặt  ngay một lịch trình thật “xịn sò” để vi vu đến Huế thôi nào!